Thiên Chúa Giáo do Đức Chúa Jésus Christ lãnh lệnh Đức Chúa Trời giáng trần mở đạo, để giáo hóa và cứu rỗi nhân loại, và Đức Chúa Jésus Chri...
Thiên Chúa Giáo do Đức Chúa Jésus Christ lãnh lệnh Đức Chúa Trời giáng trần mở đạo, để giáo hóa và cứu rỗi nhân loại, và Đức Chúa Jésus Christ là Giáo chủ của Thiên Chúa Giáo.
Đến thế kỷ 11, hàng giáo phẩm cao cấp của Thiên Chúa Giáo, do bất đồng với Đức Giáo Hoàng, nên tách ra, lập Chính Thống giáo tại thủ đô Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ, truyền bá vùng Đông Âu.
Đến thế kỷ 16, một Linh Mục tại nước Đức là Martin Luther công bố 95 Luận Đề cải cách Thiên Chúa Giáo, đó là bước khởi đầu tách ra lập Đạo Tin Lành, truyền bá mạnh mẽ tại Bắc Âu Châu, Bắc Mỹ, rồi lan ra khắp thế giới.
Như thế, Thiên Chúa giáo có 2 Chi Phái lớn là :
+ Chính Thống giáo (Orthodoxie)
+ Đạo Tin Lành (Protestantisme) và từ đó, Thiên Chúa giáo ở La Mã được gọi là Công giáo.
1. Chính Thống giáo
Nguyên vào thế kỷ thứ 4, Hoàng đế La Mã là Constantin (270-337) dời thủ đô từ La Mã (Rôma) đến Constantinople thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Trước kia, thành phố ấy tên là Bizance, Hoàng đế Constantin xây dựng làm thủ đô mới, đổi tên lại là Constantinople (lấy tên của Hoàng đế đặt tên cho thủ đô mới). Do đó, tại thủ đô mới nầy, hình thành một Trung tâm Thiên Chúa Giáo đứng thứ nhì sau La Mã.
Giáo hội tại Constantinople được gọi là Giáo hội Đông, và Giáo hội tại La Mã được gọi là Giáo hội Tây. Đức Giáo Hoàng ở tại La Mã.
Hai Giáo hội vẫn thông đồng chặt chẽ, và Giáo hội Đông vẫn tùng lịnh của Đức Giáo Hoàng ở Giáo hội Tây. Nhưng dần dần, những mâu thuẩn bắt đầu xảy ra, và Giáo Hội Đông nhận thấy Giáo Hoàng có nhiều hành vi can thiệp vào thế tục quá đáng, nên bất mãn.
Sự việc nổ bùng ra vào năm 1054, giữa thế kỷ 11, khi Đức Giáo Hoàng La Mã sai sứ giả đến Constantinople, đặt trên Bàn thờ Thánh đường Santa Sophia Sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng cắt đứt quan hệ với Giáo hội Đông và phạt vạ Thượng Phụ Giáo Chủ của Giáo hội Đông.
Liền đó, Thượng Phụ Giáo Chủ Mi-ca-e của Giáo hội Đông phản ứng quyết liệt bằng cách triệu tập Đại Hội Công Đồng Giáo hội Đông, tuyên bố tuyệt giao với Giáo Hoàng và phạt vạ Giáo Hoàng La Mã.
Thế là kể từ đó, Giáo hội Đông thành lập Chính Thống giáo. Dùng từ ngữ Chính Thống giáo là để tỏ rằng, tuy tách ra từ Giáo hội La Mã, nhưng vẫn giữ được Chánh đạo chánh truyền, chớ không phải là Tà đạo hay Lạc giáo mà Giáo Hội La Mã đã gán cho họ.
Do đó, tính bảo thủ là nguyên tắc đặc trưng nổi bật của Chính Thống giáo. Giáo lý của Chính Thống giáo hầu hết đều giống với Công giáo La Mã, chỉ có một số ít khác nhau:
- Về Thiên Chúa 3 Ngôi:
+ Công giáo: Ngôi 1 là CHA, Ngôi 2 là CON, Ngôi 3 là THÁNH THẦN. Tuy 3 Ngôi nhưng đồng bản thể cùng Thiên Chúa. Ngôi 1 sanh Ngôi 2, Ngôi 1 và 2 sanh ra Ngôi 3.
+ Chính Thống giáo: Ngôi 1 sanh ra Ngôi 2, Ngôi 2 sanh ra Ngôi 3.
- Thiên Chúa giáo tin vào vô nhiễm thai.
Chính Thống giáo không tin điều đó.
- Thiên Chúa giáo: Đức Giáo Hoàng không bao giờ sai lầm về Đức tin, tức là không sai lầm khi ban bố một tín điều hay một Sắc lịnh của Giáo Hội.
Chính Thống giáo: Không tin vào tính chất không sai lầm của Giáo Hoàng La Mã, chỉ thừa nhận tính chất không sai lầm của Giáo Hội, chớ không phải người cầm đầu Giáo Hội.
- Chính Thống giáo: Chỉ có Đức Chúa Jésus mới là Giáo chủ duy nhất; không chấp nhận nơi chuộc tội.
- Chính Thống giáo không có một Trung tâm Giáo hội Thống nhứt như Công giáo La Mã, mà nó gồm 15 Giáo hội Chính Thống độc lập, kể ra:
+ Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) + Nga
+ Alexandrie (Ai Cập) + Grudi
+ Antoiny (Syrie, Liban) + Serbie (Nam Tư)
+ Bulgarie + Roumanie
+ Chypre + En-lát (Hy-Lạp)
+ Albanie + Ba Lan
+ Tiệp Khắc + Châu Mỹ
+ Châu Đại Dương.
Phạm vi hoạt động của Chính Thống giáo là ở vùng các nước Đông Âu.
Số tín đồ của Chính Thống giáo và của Đạo Tin Lành được thống kê nơi Phần I trong bài nghiên cứu nầy.
2. Đạo TIN LÀNH
(Xem chi tiết nơi phần sau: Đạo Tin Lành)
* Ngoài 2 Chi Phái lớn của Thiên Chúa giáo kể trên, còn có nhiều Chi phái nhỏ khác nẩy sanh từ Công giáo hay từ Chính Thống giáo hoặc từ Đạo Tin Lành. Xin kể ra một số Chi phái nhỏ sau đây:
- Các Giáo hội Công giáo Đông phương:
Đây là các Giáo hội theo nghi lễ Đông phương, gần giống như các Giáo hội Chính Thống giáo ở Cận Đông, Đông Âu và Ấn Độ.
Từ thế kỷ 16, các Giáo hội Công giáo Đông phương nầy đã thông hảo với Tòa Thánh La Mã.
Mặc dầu có ít tín đồ, chừng 14 triệu, nhưng sự hiện diện của các Giáo hội nầy rất quí, vì nó chứng tỏ rằng 2 nền văn hóa Đông và Tây, tuy khác nhau, nhưng vẫn có thể hòa hợp được.
- Các Giáo hội Nhất Thể giáo (Églises Monophysites)
Các Giáo hội này chỉ tin nhận những điều có trước Công Đồng Chung Canxêđôni năm 451, nên cũng gọi là Giáo hội tiền Canxêđôni.
Số tín đồ của Giáo hội này được chừng 18 triệu, bao gồm các tông phái Syri Đông phương, Syri Tây phương, Syri Chính Thống ở Ấn Độ, Êtiopi, Acmêni.
- Anh giáo (Anh Quốc giáo): (Xem Đạo Tin Lành)