Bí tích là tất cả những gì thần thánh bí ẩn của Thiên Chúa giáo, hoặc thuộc phạm vi Giáo lý, hoặc thuộc phạm vi Tế tự, thuộc chương trình ...
Bí tích là tất cả những gì thần thánh bí ẩn của Thiên Chúa giáo, hoặc thuộc phạm vi Giáo lý, hoặc thuộc phạm vi Tế tự, thuộc chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Jésus.
Phép Bí tích là những phép thuật mầu nhiệm mà khi thi hành sẽ có những hiệu quả thiêng liêng mà ta không thể dùng trí phàm hay mắt phàm mà có thể hiểu biết được.
Thiên Chúa giáo có tất cả 7 Phép Bí tích, chia ra 2 phần :
- Bí tích Trung tâm gồm 1 Bí tích: Bí tích Thánh thể.
- Bí tích ngoại biên gồm 6 Bí tích, chia ra:
+ 2 Bí tích Khai tâm: . Bí tích Rửa tội.
. Bí tích Thêm sức.
+ 2 Bí tích Y dược: . Bí tích Giải tội.
. Bí tích Xức dầu.
+ 2 Bí tích Xã hộ : . Bí tích Truyền chức.
. Bí tích Hôn phối.
- Bí tích Thánh thể:
Bí tích Thánh thể còn được gọi là Bí Tích Mình Thánh Chúa, là sự tái diễn việc Chúa Jésus đã hiến dâng thân thể cho sự cứu chuộc.
Bí tích Thánh thể dựa theo sự tích “Bữa tiệc cuối cùng” của Đức Chúa Jésus với các môn đồ trong Lễ Vượt qua. Đức Chúa Jésus lấy bánh và rượu nho cho các môn đệ, nói rằng: “Các ngươi hãy nhận lấy, đây là mình của ta, đây là máu của ta, máu của ta sẽ đổ xuống để chuộc tội cho loài người.”
Theo Giáo lý của Thiên Chúa giáo, sự cứu chuộc của Chúa vẫn tiếp tục trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh thể. Bí tích Thánh thể là đỉnh cao, là nguồn mạch trong đời sống tín ngưỡng của các tín đồ. Tất cả Bí tích khác, cũng như các hoạt động phụng tự đều hướng vào Bí tích này.
Nghi lễ Phép Bí tích Thánh thể được cử hành trọng thể tại Nhà Thờ, gọi là Thánh lễ Misa. Trong việc cử hành Bí tích Thánh thể, quan trọng nhất là vị chủ lễ (Giám Mục, Linh Mục) đọc lời truyền phép Thánh thể theo qui định của Giáo Hội, để Bánh làm bằng bột mì và Rượu làm bằng nho trở thành thịt Chúa và máu Chúa.
Tín đồ, sau khi đã Xưng tội và được Giải tội, thì được chịu phép Thánh thể, tức là được ăn một miếng Bánh hay một phần chiếc Bánh nhỏ đã được làm phép để Chúa sẽ ngự trong lòng họ, bởi vì Chúa có nói rằng: “Ai ăn thịt ta và uống máu ta, sẽ ở trong ta và ta sẽ ở trong người ấy”.
Theo qui định của Giáo Hội, sau khi chịu phép Bí tích Thánh thể (phép Mình Thánh) lần đầu, tín đồ phải chịu phép nầy mỗi năm ít nhất một lần.
- Bí tích Rửa tội:
Bí tích Rửa tội để rửa sạch tội Tổ Tông và các thứ tội khác, để trở thành tín đồ của Chúa, thắng được vật dục, thoát khỏi quyền của Quỉ, được ân sủng của Đức Chúa Jésus.
Bí tích Rửa tội thực hiện dễ dàng với trẻ em của những gia đình có đạo, nhưng đối với người lớn thì phải có chuẩn bị về mặt Tâm lý và phải Sám hối về những tội lỗi đã qua.
Bí tích Rửa tội thực hiện rất đơn giản, dùng nước Thánh dội lên đầu người chịu phép với câu nguyện bằng tiếng La tinh mà Chúa Jésus truyền phải dùng: “Ego te baptizo in nomine Patris, et Filii, et Spiritus Sancti.” (Ta rửa con , nhân danh Cha và Con và Thánh Thần).
Bí tích Rửa tội do các Linh Mục Chánh Xứ thực hiện.
- Bí tích Thêm sức:
Bí tích Thêm sức giúp cho tín đồ được ơn Chúa Thánh Thần mà liên kết chặt chẽ với Giáo Hội, vững lòng tin để đi sâu vào đời sống tín ngưỡng, như trước đây, khi Đức Chúa Jésus lên Trời, các Thánh Tông đồ bơ vơ, Chúa Thánh Thần hiện xuống an ủi và ban sức mạnh cho họ.
Bí tích Thêm sức chỉ làm cho người nào đã chịu Phép Rửa tội (Thánh tẩy). Nghi lễ được tiến hành bằng việc bôi một thứ dầu thảo mộc lên trán của người chịu phép Bí tích nầy, và đọc một đoạn kinh ngắn bằng tiếng La tinh.
Bí tích Thêm sức do Giám Mục thực hiện trong Nhà Thờ trong dịp Lễ Misa.
Tóm lại, 2 Bí tích Rửa tội (Thánh tẩy) và Thêm sức:
+ Đối với Đức Chúa Jésus, Thánh tẩy ban ơn tái sinh, Thêm sức ban ơn cường tráng, ân sủng sung mãn.
+ Đối với cơ thể siêu nhiên, Rửa tội thích nghi cơ thể đó để làm việc tư nhiều hơn, còn Thêm sức chuẩn bị cho tâm hồn gánh việc công.
+ Đối với Giáo Hội, Thánh tẩy nhập hiệp tín đồ vào đại gia đình các Thánh, Thêm sức khuếch trương gia đình đó ở trong và ở ngoài, trong phương diện nội trương và ngoại trương.
- Bí tích Giải tội:
Bí tích Giải tội là để tha thứ tội lỗi đã mắc phải. Người được giải tội phải tự xét về hành vi phạm tội của mình, đối chiếu các Điều Giới Răn, rồi xưng tội với vị Linh Mục một cách thành khẩn.
Vị Linh Mục, với tư cách thay mặt Chúa, ngồi trong Tòa Giải tội, luận xét tha tội, hoặc định ra những hình thức sửa chữa đền tội bằng những việc làm nhân đức.
Luật của Giáo Hội qui định mỗi năm tín đồ phải xưng tội ít nhất một lần.
- Bí tích Xức dầu:
Bí tích Xức dầu Thánh được thực hiện đối với bệnh nhân lúc tịnh dưỡng hay trong cơn nguy ngập để xin Thiên Chúa nâng đỡ và cứu vớt.
Các Giám Mục thực hiện phép chuyển dầu thực vật thành dầu Thánh. Các Linh Mục thực hiện Bí tích xức dầu Thánh bằng việc dùng dầu Thánh xức lên trán hoặc thân thể bệnh nhân, và đọc lời cầu nguyện theo qui định.
Bí tích Giải tội để chữa bịnh linh hồn, tha tội và tha hình phạt Hỏa ngục, đó là Bí tích điều trị. Nhưng khi bệnh nhân hết bịnh, cơ thể cần tịnh dưỡng, thì Bí tích Xức dầu Thánh được thiết lập và được coi là bổ túc Bí tích Giải tội.
Bí tích Xức dầu Thánh cũng dành cho người gần khuất bóng, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
- Bí tích Truyền chức
Bí tích Truyền chức được thực hiện với các tín đồ trở thành Thùa Tác viên của Chúa: Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, để thay mặt Chúa chăn dắt tín đồ.
Bí tích Truyền chức được thực hiện trong Lễ Tấn phong, bằng cách người truyền chức đặt tay lên người được truyền chức và đọc lời kinh cầu nguyện:
* Truyền chức Phó Tế: Giám Mục đặt tay lên vị Phó Tế:
“Lạy Chúa, xin Chúa sai Chúa Thánh Thần xuống người nầy để họ được 7 ơn Chúa kiên cường, hầu trung thành chu toàn nhiệm vụ”.
* Truyền chức Linh Mục: Giám Mục đặt tay lên vị Linh Mục:
“ Lạy CHA toàn năng, xin CHA trao chức Linh Mục cho tôi tớ Chúa đây, xin Chúa cải tân tâm hồn họ bằng Thánh Thần của Chúa, để họ nhận lấy sứ mệnh có công bậc nhì, đã được chính Chúa ưng chuẩn.”
* Truyền chức Giám Mục:
“ Xin Chúa trao hết chức quyền cho Linh Mục của Chúa, xin Chúa lấy dầu trên Trời Thánh hóa vị đã được trang sức đầy vẻ vinh quang”.
Bí tích Truyền chức trao cho người thụ chức những hiệu quả : được trao chức Thánh, sứ mệnh Thánh và hưởng đầy ân sủng của Chúa.
- Bí tích Hôn phối:
Bí tích Hôn phối là sự nhìn nhận của Thiên Chúa đối với đôi Tân hôn Nam Nữ đã chịu phép Rửa tội, để họ chung sống trọn đời với nhau.
Bí tích Hôn phối Thánh hóa hôn nhân, Thánh hóa các tác động phu thê trong tình thương yêu chân thật.
Bí tích Hôn phối làm tăng cường tính duy nhất và bền vững trong hôn nhân và quan hệ gia đình của tín đồ.