Những người phương Tây đầu tiên đến Việt Nam và Đông Nam Á từ rất sớm, vào khoảng đầu công nguyên. Họ đem đến các đồ trang sức, pha lê, vũ ...
Những người phương Tây đầu tiên đến Việt Nam và Đông Nam Á từ rất sớm, vào khoảng đầu công nguyên. Họ đem đến các đồ trang sức, pha lê, vũ khí, áo giáp… đổi lấy các thứ hàng quý hiếm của Đông Nam Á như trầm hương, kỳ nam, vàng, đá quý, yến sào, đồi mồi, ngà voi, tê giác… và đặc biệt là hồ tiêu các loại dùng để bảo quản thịt.
Sau thời Trung cổ nặng nề khiến cho sự giao lưu bị gián đoạn, sách Khâm định Việt sử thông ghi nhận: “vào năm Nguyên Hòa thứ nhất đời vua Lê Trang Tông (1533) có một người Tây dương tên là I-nê-khu (Ignatio) theo đường biển lẻn vào giảng đạo Gia Tô ở các làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ (thuộc Nam Định cũ ). Từ đó các giáo sỹ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tìm đến ngày càng đông. Ban đầu, dochưa quen thông thổ và không thạo ngôn ngữ nên việc truyền giáo lý ít thu được kết quả. Dần dần công việc tiến triển ngày càng khá hơn. Theo tài liệu của giáo hội thì đến năm 1593, ở Nghệ An đã có đến 12 làng công giáo toàn tòng.
Cuối năm 1642, giáo sỹ người Pháp là Alexandre de Rhodes, sau mấy năm truyền đạo ở Đàng Trong và Đàng Ngoài Việt Nam đã trở về châu Âu vận động tòa thánh Roma giao cho người Pháp quyền truyền đạo ở Viễn Đông. Kết quả là năm 1658, Giáo hoàng đã phong cho hai giáo sỹ Pháp là Francois Pallu và Lambert de la Motte làm giáo mục cai quản hai địa phận Đàng Ngoài và Đàng Trong.
Năm 1664, Hội thừa sai Paris, thường gọi là Hội truyền giáo nước ngoài của Pháp được thành lập.
Cuộc nội chiến Nguyễn Ánh – Tây Sơn vào thế kỷ XVIII là một cơ hội tốt cho sự bành trướng của Hội truyền giáo nước ngoài và sự can thiệp của thực dân Pháp.Giám mục Pièrre Pignenaux de Béhaine đã trở thành người đỡ đầu tích cực cho Nguyễn Ánh. Ông đưa hoàng tử Cảnh đi Pháp, và năm 1787 đại diện cho Nguyễn Ánh ký với Pháp Hiệp ước Versailles. Sau đó, do xảy ra cách mạng Pháp 1789, Hiệp ước này không thực hiện được, Béhaine đã tự mình mộ quân và sắm vũ khí giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Hoạt động của Béhaine giúp cho nước Pháp có chỗ đứng vững chắc ở Việt Nam cả về chính trị và tôn giáo.
Sau khi lên ngôi vào năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long, Nguyễn Ánh lâm vào một tình thế nước đôi: một mặt thì chịu ơn các giáo sỹ và ân nhân người Pháp, do vậy ông đã ban thưởng hậu và sử dụng một số người làm cố vấn và quan lại trong triều; mặt khác lại lo ngại sự phát triển của Ki-tô giáo trước mắt sẽ ảnh hưởng xấu đến truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục cổ truyền, sau nữa có thể làm mất ổn định chính trị và dẫn đến nguy cơ mất nước.
Để đối phó với tình hình, nhà Nguyễn chủ trương “bế môn tỏa cảng” trong giao lưu và giữ nguyên trạng đạo Ki-tô chứ không khuyến khích phát triển.